Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Giải tỏa

à
Ảnh chụp trong xưởng vẽ của ba tôi


Tôi nhận được điện thoại của cô tôi báo dọn nhà, cuối cùng sau nhiều loại giấy tờ thủ tục , chạy đi chạy lại loanh quanh, cô tôi đã nhận được tiền giải tỏa và chuyển đi. Lục lại trong cả đống tư liệu hình ảnh của riêng mình, chả có thứ gì liên quan đến ngôi nhà ấy, miếng đất ấy ngoại trừ mấy bức ảnh chụp thời trang, người ngợm linh tinh, tôi không chụp ngôi nhà ấy lần nào, dù có rất, rất, rất nhiều kỷ niệm với nó.

Tôi còn nhớ, ngày ấy tôi vừa đi làm được vài năm, bắt đầu có ít tiền để dành, tôi phụ ba mẹ mua một mảnh vườn thơm hương cỏ, sâu trong một con hẻm vừa nhỏ, vừa nhếch nhác vừa hôi bên quận Bình Thạnh, ý là để ông bà dưỡng già. Lần đầu tiên đến khu đất ấy, tôi phải nhảy lên mấy tấm đan kê cách xa nhau để qua một con mương đen thui, có mùi khăm khẳm, xe phải khóa lại để bên kia mương cạnh bờ lau sậy um tùm. Miếng đất rộng, rất rộng, mở ra một khoảng trời khác không liên quan gì đến con đường dẫn đến nó cả. Chúng tôi mua thật ra là giúp gia chủ lúc đó thiếu tiền thuốc thang cho người thân trong nhà.

Chúng tôi về đó, xây một ngôi nhà nhỏ, rào hàng rào, xây chiếc cầu xi măng hơn 1 m rộng để đi lại cho dễ, thả cá xuống ao... ý là để gầy dựng một chỗ ổn ổn, đầu tiên là cho vui, sau tính tiếp. Trước sân có 2 cái ao hai bên, rong mọc đầy dưới nước, tôi đi tìm mua cái xuồng nhôm, nhảy xuống ao, lội nước, kéo chiếc xuống theo mình. dọn dẹp cỏ lác, nhổ bỏ rong rêu mọc. Lẫn trong đám rong tôi nhổ bỏ lên bờ là lìm kìm, là cá sặt, là tép tôm nhảy loi choi nhiều vô kể. Tôi đã bị lác một bên đùi vì phèn và nước dơ trong khi làm những việc ấy, bôi thuốc mãi mới khỏi, đến bây giờ da vẫn không sáng màu lại được. Sân nhà thấp, mỗi khi triều cường lại ngập nước lội bì bõm, nhưng không thấy thế mà buồn, vì nhiều lần nước dâng trong đêm, sáng thức dậy thấy cá mắc cạn nhảy đành đạch trên sân, mà cá mặc cạn nhảy đành đạch được như thế thì thường là cá to.

Như trả công cho sự chăm bẵm của tôi , hai cái ao sau khi được dọn sạch rong rêu, một ngày nọ bên mọc đầy Sen, bên mọc đầy Súng, kiêu hãnh nở hoa, to, khoẻ, đẹp đẽ đến không ngờ. Mùa hè năm ấy là mùa hè đẹp nhất của tôi. Thường chiều đi làm về, tôi hay xuống đó ngồi nghe mùi lá, vậy mà có hôm hứng chí, không chỉ chiều mà cả buổi trưa tôi cũng " xuống vườn", sâu bên trong ở phía cuối vườn, đất được dẫy, đào mương, trồng dừa, xoài, ổi, sabochê, sơri..., dưới mương cá lóc về đẻ , từng bầy cá con đỏ mặt nước rúc vào bụi cỏ. Cứ tưởng tượng ngoài đường gió bụi, chạy xe xuyên qua một con hẻm bẩn thỉu hôi thối, mở cổng bước vào nhà mình là một thế giới khác, thoáng đãng yên ấm thế, thoát được hết những mệt mỏi mà công việc dồn ta đến; ngồi trước hiên một căn nhà nhỏ, có cây mận sai quả tỏa bóng mát trên sân, hai bên là sen súng đầy mắt, tràn trề sinh lực, mặt mặt ra một cánh đồng trống, với mây trắng và trời rất trong, trưa nóng cứ là dịu đi từng đợt, mà tất cả những thứ ấy chỉ mất chưa tới 10 phút đi xe từ chợ Tân Định, thế thì ai mà chẳng thích.

Chúng tôi, cả ba mẹ tôi lẫn tôi nhiều lần mang bạn bè về đó chơi, chúng tôi có những cuộc ăn nhậu tưng bừng, những cuộc vui nhiều tiếng cười, những đêm về khuya ngồi ngắm sao lấp lánh trên đầu. Mẹ tôi ra vườn, thấy kiến càng rất nhiều trên cây Sim, phát kiến ra món thịt nướng Kiến Lửa, nghĩa là treo miếng thịt lên cây gần tổ kiến, một lúc kiến sẽ xông vào đốt miếng thịt, chích đám axít thường làm rát da người vào miếng thịt ấy, làm nó mềm đi. Lôi miếng thịt xuống, rũ bớt kiến, ướp gia vị và đem ra xỏ que mà nướng. Món ăn đã làm không biết bao nhiêu người xuýt xoa vì vị lạ lùng của nó. Tôi thì có một món khác, cá lóc nguyên con không làm gì cả, lấy đất sét đắp kín rối lấy lá Sen gói chặt, vùi vào than đỏ, chừng thấy dậy mùi thì lấy ra, bóc bỏ lớp lá sen cháy và đất sét đã khô đi, vẩy cá sẽ tự đi theo lớp đất sét ấy, để lại thịt trắng, thịt cá thơm mùi lá sen, chấm muối tiêu, không có bút mực nào đủ chữ mà tả được.

Ngày vui ngắn, tôi yêu mảnh vườn gia đình mình là thế, nhưng chỉ ngủ lại đó chừng 1-2 lần. Cô tôi được nhờ về ở trông nhà hộ, cô tôi chống nạng, độc thân về ở trong căn nhà nhỏ, ba tôi xây thêm một căn nhà thủy tạ phía trên hồ súng để làm xưởng vẽ tranh. Cá nuôi trong ao chả con nào chịu lớn, theo con nước, đi hết, để đến cuối cùng chỉ còn lại mỗi một con chép vàng lâu lâu mới trồi lên mặt nước. Công việc kéo tôi đi, tôi cũng ít về dần, khu đất được nới thêm, rồi thu lại, rồi nới thêm nhiều lần như thế. Ba mẹ tôi lúc thì mua của hàng xóm miếng vườn bỏ không, lúc thì nhượng lại cho mấy người bạn quen kiếm chút lửa thân tình hàng xóm. Từ ngày đầu chỉ có 3 hộ đi qua cầu, sau đó chúng tôi đã phải xây cầu cho xe hơi của những nhà sâu bên trong đi về, bầu trời và cánh đồng trống bị che dần bằng mái ngói của những ngôi nhà khác, chúng tôi không còn chỉ có 3 hộ trên doi đất cuối hẻm cùng heo hút nữa.

Rồi người dân ở đâu không biết về lấn rạch lập xóm, cái không khí tĩnh lặng của ngày xưa mỗi khi về nhà đi mất. Xóm nhỏ ồn ào, người tứ chiếng khó lường danh tính. Cái hôi hám của xóm lao động làm nghề ve chai, thu rác lấn dần sát cửa. Tôi ít về, khu vườn rộng hoang phế chả có người chăm. Cô tôi thuê người dọn vườn, nhưng người ta cũng chỉ có thể dọn cầm chừng, cỏ mọc um tùm bít nhiều lối đi, chúng tôi phải xây hàng rào gạch. Trong nhiều năm như thế, khu vườn không mang lại thêm chút lợi lộc nào kể cả tinh thần lẫn vật chất, chúng tôi gần như bỏ quên nó ở đó, chỉ có cô tôi lầm lũi một mình, và chúng tôi mỗi tháng một lần đến thăm cô như đến thăm nhà người khác. Ba tôi cắt đất thành vài phần cho anh cho em, khu vườn chia làm nhiều mảnh - trên giấy- nhưng vẫn chỉ có mình cô tôi ở đó.

Giải tỏa

Hình như chỉ khi có hai từ ấy mảnh vườn mà gia đình mua mới mang lại giá trị kinh tế thật sự cho chủ nhân của nó.

Tôi đứng trêm đám gạch ngói ngổn ngang, nơi từng là xưởng vẽ của ba tôi, nhìn về phía ngôi nhà nhỏ cô tôi ở, cũng chuẩn bị sụp xuống dưới những tiếng búa đập tường, nhiều kỷ niệm ùa về, vui buồn lẫn lộn. Tôi không còn nhớ mình đã làm những gì mảnh đất ấy, chỉ nhớ cho đến lúc này đã là rất nhiều thứ. Tôi không nhớ mình đã đồ mồ hôi, thậm chí là máu xuống miếng đất đó như thế nào, chỉ nhớ rằng mình từng yêu nó, từng chăm sóc nó và được nó trả công bằng sen, ngát hương những buổi trưa hè xa xôi lắm. Miếng vườn nhà tôi nằm giữa tâm con lộ 30m nối xa lộ Hà Nội với sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi phải dời đi. Miếng đất anh em chia nhau, chỉ có tờ giấy tay đơn giản thế, nên cô tôi đã phải ở lại chờ đến lúc làm xong thủ tục cuối cùng. Giữa đống ngổn ngang này, cô đã nghĩ gì nhỉ?

Chiếc taxi đưa chúng tôi đi, trong tiếng búa phá nhà và tiếng lao xao những người hôi của. Còn lại có bao nhiêu đâu những vôi thừa gạch vữa, còn lại là gì đâu ngổn ngang nhà đổ, hay nói đúng hơn là sẽ chẳng còn gì. Cái thứ lớn nhất còn lại là những kỷ niệm về nơi chốn ấy, chẳng bao lâu nữa sẽ chôn chặt dưới nền đường, chúng sẽ bị vùi xuống, lãng quên, hoặc nếu có thì chắc chỉ có người như tôi còn nhớ, nhưng được bao lâu? Sen của tôi đã lâu không nở, súng cũng dần tàn, đàn Lìm Kìm, cá Sặt lâu rồi không còn thấy nữa, cống thải của nhà máy xả thẳng nước ô nhiễm vào con rạch trước nhà, nhuộm màu tím đỏ tùy theo màu người ta dùng bên trong nhà xưởng ngày hôm đó. Còn mùi hôi của rác nữa, cũng đã vượt qua cánh cổng nhà bao phủ lấy khu vườn, lấn át bình yên bằng những âm thanh con người của một đời sống không phải là sung túc lắm. Mọi thứ đã thay đổi, lâu rồi, mảnh vườn thôi không còn hương cỏ nữa. Còn đâu ngày xưa đó của tôi.

Chiếc xe đưa cô tôi về một khu chung cư mới xây, nhà nhỏ, bộn bề, mấy đứa cháu trai hè nhau giúp cô kê giường, kê bàn, dọn bếp, đã lâu tôi không làm gì để đổ mồ hôi nhiếu đến thế. Nhà mới chật hơn rất nhiều so với ngôi nhà chúng tôi xây cho cô ở, mà đồ đạc, vốn mang nhiều kỷ niệm, cô lại chẳng muốn vứt đi thứ gì. Cô tôi bắt đầu cuộc sống mới, ở chỗ mới, và rồi sẽ có nhũng kỷ niệm mới.

Với tôi, kỷ niệm vốn là hành trang của mỗi con người, là cái gì đó quý giá, cần giữ kỹ, nhưng đôi khi cũng cần giải tỏa cho mình, xóa bớt những gì không giữ được, để lấy chỗ cho những kỷ niệm khác, sẽ có ở thì tương lai, không thì chật lắm, bụi bặm lắm, đời mình hôm mai.

1 nhận xét:

  1. "Kỷ niệm vốn là hành trang của mỗi con người, thành cái gì đó quý giá, cần giữ kỹ, nhưng đôi khi cũng cần giải tỏa cho mình, xóa bớt những gì không giữ được, để lấy chỗ cho những kỷ niệm khác, sẽ có ở thì tương lai, không thì chật lắm, bụi bặm lắm"
    >>> có nên ko b nhỉ ? thường thì ngta tham lam, bao nhiêu cũng muốn giữ b ạ :)

    Trả lờiXóa